Saturday, January 27, 2007

Nhược điểm của biodiesel

Hiện nay, từ những thông tin quảng bá về biodiesel nhiều người lầm tưởng rằng việc sử dụng biodiesel chỉ có lợi mà không có hại.Trên thực tế, bên cạnh những ưu điểm, biodiesel cũng có nhiều nhược điểm hạn chế việc ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và đời sống. Nhiều nhà sản xuất xe hơi và động cơ rất thận trọng với việc sử dụng biodiesel trong động cơ của họ.

Việc sử dụng nhiên liệu chứa nhiều hơn 5% biodiesel có thể gây nên những vấn đề sau: ăn mòn các chi tiết của động cơ và tạo cặn trong bình nhiên liệu do tính dễ bị oxi hóa của biodiesel; làm hư hại nhanh các vòng đệm cao su do sự không tương thích của biodiesel với chất liệu làm vòng đệm.

Nhiệt độ đông đặc của biodiesel phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất nhưng nói chung là cao hơn nhiều so với dầu diesel thành phẩm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng biodiesel ở những vùng có thời tiết lạnh.

Ngoài ra, biodiesel rất háo nước nên cần những biện pháp bảo quản đặc biệt để tránh tiếp xúc với nước. Biodiesel không bền rất dễ bị oxi hóa nên gây nhiều khó khăn trong việc bảo quản. Theo khuyến cáo của NBB thì không nên sử dụng B20 sau 6 tháng bảo quản trong khi hạn sử dụng của dầu diesel thông thường có thể đến 5 năm.

Bên cạnh đó, để sản xuất biodiesel ở quy mô lớn cần phải có một nguồn nguyên liệu dồi dào và ổn định. Việc thu gom dầu ăn phế thải không khả thi lắm do số lượng hạn chế, lại phân tán nhỏ lẻ. Những nguồn nguyên liệu có thể chế biến thành dầu ăn (hướng dương, cải dầu, cọ…)thì giá thành cao, sản xuất biodiesel không kinh tế. Vả lại, diện tích đất nông nghiệp cho việc trồng cây lấy dầu ăn là có hạn. Để giải quyết bài toán nguyên liệu này, trên thế giới đang có xu hướng phát triển những loại cây lấy dầu có tính công nghiệp như cây dầu mè (jatropha curcas), hoặc những loại cho năng suất cao như tảo.

Nguồn tham khảo:
1. Митусова Т. Н., Калинина М. В. Перспективы использования биодизельного топлива. Мир нефтепродуктов. 2005, № 5, с. 21 – 23.
2. В. Г. Семенов, А. А. Зинченко. Альтернативные топлива растительного происхождения. Химия и технология топлив и масел. 2005, № 1,с. 29-34.
3. http://www.tiasang.com.vn/news?id=754 Tiềm năng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam rất lớn
4. http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=41⊂=72&article=80841 Sản xuất diesel sinh học ở Chiang Mai
5. http://www.biodiesel.org/buyingbiodiesel/guide/B20_Fleet_Recommendations.pdf.

No comments: